• Gợi ý: Nôi em bé, nôi tự động, máy đưa võng, tai nghe bà bầu

Khi con la hét, mè nheo giữa đám đông – phải xử lý thế nào ?

Có thể bạn chưa biết việc bé có thói quen nói lớn tiếng hoặc hay hét lớn lên khi gọi bố mẹ không phải là bé cố tình tạo tiếng ồn lớn, mà bé đang khám phá thế giới bằng giọng của mình, và trải nghiệm những điều bé có thể có được bằng cách la hét.

Một số bé hét lên là vì muốn được bố mẹ chú ý, đó là cách mà bé nói rằng, “Bố mẹ ơi, nhìn con này!” Một số bé khác lại hét vì muốn có thứ gì đó, như muốn được ăn kẹo chẳng hạn, và trong trường hợp này, tiếng hét mang nghĩa, “Con muốn ăn kẹo, cho con ăn kẹo ngay!”

Còn tại sao bé lại thường làm loạn lên khi đang ở siêu thị, ở ngân hàng hoặc một nơi công cộng nào khác? Điều này, có chuyên gia giải thích là do bé thích hiệu ứng tiếng vang ở không gian rộng lớn; và nếu bố mẹ có cách xử lý không đúng, bé có thể hiểu sai rằng cứ hét lên, bé sẽ được bố mẹ chú ý nhiều hơn.

Dưới đây là một số gợi ý của Ba Mẹ Việt dành cho bạn để giải quyết những tình huống khó xử này.

Sắp xếp công việc dựa theo lịch của con

Nếu bạn đưa con theo cùng đi công chuyện, hãy bảo đảm trước khi rời nhà, con bạn đã được nghỉ ngơi đủ, đã ăn no và đã ị tè xong xuôi. Ngay cả người lớn chúng ta mỗi khi mệt mỏi hoặc đói bụng còn chẳng có đủ kiên nhẫn hay năng lượng mà mua sắm gì, thậm chí chỉ đến nơi đông đúc đã thấy phát nản lên rồi chứ nói gì đến trẻ nhỏ.

Hãy chọn nơi có tiếng ồn

Khi đưa con theo cùng, bạn hãy tránh những nơi đòi hỏi im lặng, riêng tư ấm cúng hoặc những nơi trang trọng. Thay vào đó, hãy đến chỗ mà các gia đình khác đến. Bạn sẽ đỡ xấu hổ hơn khi con la hét ở nơi đã sẵn ồn ào (nhưng không quá ồn ào khiến con mệt và sợ, sẽ gây tác động ngược), bạn sẽ ít bị áp lực hơn và do đó sẽ ít bị rơi vào tình huống phải dỗ dành, xuống nước chỉ để con nín đi

Bày trò chơi

Hãy cố gắng chiều theo nhu cầu la hét của con bằng cách nói, “Mẹ con mình cùng hét thật to nhé,” và hét to một lần. Sau đó bạn hạ giọng nói với con rằng, “Còn bây giờ thì cùng xem ai thì thào giỏi nhất nhé.” Tiếp đến, bạn có thể rủ con làm nhiều hành động khác, như trong trò chơi “Tôi bảo tôi bảo”, chẳng hạn như cùng bước lùi 3 bước, cùng rót nước… Con sẽ cảm thấy vui vẻ đi theo hướng dẫn của bạn, việc la hét bây giờ chỉ còn là một trong số rất nhiều việc vui mà bé có thể làm.

Công nhận cảm xúc của con

Nếu con la hét vì muốn sự chú ý của bạn, hãy tự hỏi mình xem con thật sự khó chịu, không thoải mái hoặc cảm thấy bị ngợp hay không, hãy chú ý đến cảm nhận của bé.

Nếu bạn nghĩ nơi mà mẹ con bạn đang ở – có thể là một siêu thị lớn, có đông người – là quá mức chịu đựng của con, hãy nhanh chóng mua xong đồ để rời khỏi đó. Và về sau, nếu có đi cùng con, bạn hãy chọn lựa mua sắm tại những cửa hàng, siêu thị nhỏ hơn, hoặc siêu thị lớn nhưng không vào giờ cao điểm để con làm quen lại dần dần.

 

Nếu bạn nghĩ con chỉ hơi buồn chán hoặc cáu kỉnh, hãy hiểu và dùng giọng thật bình tĩnh nói với con rằng, “Mẹ biết con muốn về nhà, nhưng mà con đợi thêm một chút nữa thôi nhé, mình sắp mua hàng xong rồi.” Biết rằng bạn hiểu được cảm nhận của bé không chỉ khiến bé cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái hơn mà còn giúp bé học cách thể hiện cảm xúc của mình bằng lời nói.

Nếu bạn biết con hét lên để khiến bạn nhượng bộ với đòi hỏi của bé, hãy đừng nhượng bộ nếu bạn không muốn về sau con quen cái thói hành xử như vậy để đòi thứ gì đó cho bằng được. Thay vào đó, hãy nói, “Mẹ biết con muốn ăn bánh, nhưng phải mua hàng cho xong đã. Con sẽ có thể ăn một cái bánh khi mình về đến nhà.” Đừng nói rằng lát nữa bé sẽ chỉ được ăn bánh với điều kiện phải ngoan ngay lập tức, vì tới lúc ăn bánh, con có thể chẳng nhớ được đầu đuôi câu chuyện đâu, hãy chỉ nói đơn giản là khi về nhà bé sẽ được ăn 1 cái bánh thôi nhé.

Lôi kéo con tham gia

Việc này khiến cho việc đi mua sắm hoặc chuyến đi công việc của mình trở nên vui vẻ, thú vị hơn với bé. Bạn có thể thử những cách như:

Hãy nói cho con biết khi bạn đưa bé ra ngoài, về việc mà bạn đang làm, những chuyện diễn ra xung quanh, những người ở xung quanh. Khi bận rộn với nhiều mối quan tâm, bé sẽ im lặng hơn, không dễ gây chuyện;

Bạn cũng hãy nhờ con giúp bạn lấy những món đồ trên kệ hàng, hoặc bạn có thể ngân nga về việc mình đang làm để khiến nó có vẻ vui hơn;

Cho con đem theo đồ chơi hoặc một món ăn vặt, và bảo đảm là bạn cho con trước khi bé gào ầm lên. Nếu đợi đến sau khi con làm loạn lên rồi bạn mới đưa bánh hoặc đồ chơi cho con thì chẳng khác nào con được thưởng khi hư.

Cuối cùng, hãy cố gắng lờ người khác đi

Với nhiều mẹ, phần khó khăn nhất trong việc đối phó với một đứa trẻ thích la hét chính là ánh nhìn khó chịu của những người khác. Về kinh nghiệm ứng xử trong tình huống này, một mẹ chia sẻ: “Bé nhà mình được 12 tháng, la hét không phải vì bị đau hoặc khó chịu mà chỉ là thích hét mà thôi, và bé cũng chưa đủ lớn để hiểu được vì sao mình không nên làm thế. Nếu là trước đây, chắc chắn mình đã ngượng kinh khủng; nhưng bây giờ mình nhận ra có những chuyện để ý đến ánh nhìn của người khác thật sự chẳng nghĩa lý gì cả.”

Và nếu điều đó vẫn chưa đủ để khẳng định rằng bạn không đơn độc thì hãy nghe thêm một chia sẻ khác: “Mình chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày nói ra câu này, bởi mình và chồng ngày xưa cũng từng là những người tỏ ra khó chịu, nhưng thật sự là bạn hãy kệ đi. Tất nhiên, nếu bạn ở những nơi trang trọng, yên lặng thì việc con hét lên sẽ thật sự làm phiền mọi người, và bạn nên đưa bé ra ngoài một chút. Nhưng còn ở những nơi như là cửa hàng hoặc siêu thị thì, ôi, hãy lờ mọi người đi. Họ sẽ chẳng nhìn bạn và khó chịu được lâu đâu.

Nguồn Ba Mẹ Việt

Xem thêm các bài viết khác: Bé mấy tháng biết lật và những điều mẹ cần lưu ý 

MẸ BÉ ONLINE back to top